Quy định về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự
Cũng tương tự như khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự, khoản 3 Điều 282 cũng quy định hai tình tiết có nội dung như nhau nhưng lại có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau là yếu tố định khung hình phạt, đó là: gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xét về kỹ thuật lập pháp thì việc quy định này chưa khoa học, không chỉ đối với tội phạm này mà chúng ta còn thấy ở nhiều tội phạm khác, nhà làm luật cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, mặc dù hai tình tiết này đều được quy định trong cùng một khung hình phạt, nhưng khi quy định hình phạt, Tòa án vẫn phải phân biệt trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng một hình phạt tương ứng đối với hậu quả mà người phạm tội gây ra.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 282 thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 282, Tòa án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù. Nếu người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người tổ chức, phạm tội nhiều lần thì có thể bị phạt mức cao nhất của khung hình phạt (hai mươi năm tù).
Thư Viện Pháp Luật