Cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp bố mẹ việc làm không ổn định
Theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014, việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn được quy định như sau:
Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha mẹ, do đó không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không.
Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng vì lý do nào đó thì tòa án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng là quyền lợi của con để họ biết, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy từng trường hợp cụ thể, tùy vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con hợp lý… Về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Với các quy định nói trên, con của bạn sẽ được giao cho vợ bạn nuôi, nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận khác. Như vậy, bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của bạn, với tư cách là cha đứa trẻ, không phân biệt vào khả năng kinh tế của vợ bạn. Do cả hai vợ chồng đều chưa có việc làm nên cả hai phải khắc phục khó khăn để hoàn thành nghĩa vụ của người cha cũng như nghĩa vụ do pháp luật quy định. Trong trường hợp vợ chồng bạn không đạt được thỏa thuận thì tòa án xem xét, quyết định căn cứ vào khả năng của mỗi bên để quyết định mức cấp dưỡng nuôi con hợp lý.
Trên đây là quy định về cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp bố mẹ việc làm không ổn định. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật