Những đương sự nào có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu ở Tòa án sơ thẩm?
Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”
Ngoài ra, theo Điều 243 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:
“Điều 243. Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu được bắt đầu bằng việc chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề sau đây:
1. Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.
2. Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không.
3. Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không.”
Từ quy định trên đây của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 nhận thấy rằng những đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu gồm có:
- Nguyên đơn có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của họ
- Bị đơn có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của họ
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ
Trên đây là tư vấn về việc đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu ở Tòa án sơ thẩm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật