Đạo chích bỏ lại xe khi chạy trốn, chủ nhà có được giữ sử dụng?
Theo quy định của pháp luật, sự việc xảy ra bạn phải báo cáo việc này với chính quyền địa phương. Cụ thể là trình bày vụ việc với công an xã, phường nơi bạn sinh sống. Công an xã, phường nơi bạn sinh sống sẽ đến tận nơi ghi lại nội dung vụ việc và những vấn đề có liên quan, chứng kiến chiếc xe máy của tên trộm để lại. Rất có khả năng từ chiếc xe máy này, cơ quan chức năng có thể tìm ra tên trộm đã đột nhập vào nhà bạn.
Về việc xác nhận bạn có quyền dùng chiếc xe của tên trộm để lại hay không: Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật dân sự năm 2005 về Quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu:
"1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối với tài sản do người khác tẩu tán nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người phát hiện phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, khi phát hiện được chiếc xe của tên trộm để lại dưới ngõ, bạn không được sử dụng mà phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để cơ quan chức năng xử lý vấn đề này.
Nếu bạn không thông báo với chính quyền, tự ý dùng chiếc xe này thì có thể bị khởi tố về Tội sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể tại khoản 1 quy định: "Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".
Như vậy, nếu bạn tự ý sử dụng chiếc xe máy mà tên trộm để lại, nếu tài sản này có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bạn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Trường hợp nếu chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó mà bạn không giao nộp thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, tại khoản 1 quy định: "Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".
Như vậy, nếu bạn dùng chiếc xe máy của tên trộm có giá trị từ 10 triệu đến dưới 20 triệu đồng, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại chiếc xe đó mà bạn không trả lại thì sẽ bị khởi tố về Tội chiếm giữ trái phép tài sản với mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu chiếc xe có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì bạn có thể bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.
Thư Viện Pháp Luật