Được xóa án tích trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Chương IX Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người bị kết án được xoá án tích có thể được xóa án tích đương nhiên, xóa án tích theo quyết định của Tòa án hoặc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận.
Điều 64 quy định về đương nhiên xóa án tích đối với những người sau đây:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
- Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
- Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến 15 năm;
- Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm.
Điều 65 quy định về xóa án tích theo quyết định của tòa án như sau:
“Toà án quyết định việc xoá án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị phạt tù đến 3 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;
- Đã bị phạt tù từ trên ba năm đến 15 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;
- Đã bị phạt tù trên 15 năm mà không phạm tội mới trong thời hạn 10 năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.
2. Người bị tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xóa án tích”.
Theo quy định tại Điều 66, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Toà án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.
Với các quy định nêu trên, bạn đã bị phạt tù 5 năm nhưng chỉ mới “ra tù” một năm thì chưa đủ điều kiện để được xóa án tích.
Về điều kiện dự tuyển vào trường công an nhân dân, một trong những điều kiện để đăng ký dự tuyển là về phẩm chất chính trị phải bảo đảm theo quy định của Bộ Công an về tuyển người vào lực lượng Công an nhân dân.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 30/2009/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 35/2011/TT-BCA), tiêu chuẩn chính trị để tuyển chọn công an nhân dân là: là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có địa chỉ thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, có lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Như vậy, trường hợp người thân trong gia đình đã có án tích thì có thể bị coi là vi phạm tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công an nhân dân nên không đủ điều kiện dự tuyển. Thực tế vẫn có một số trường hợp được đặc cách tuyển sinh vào trường công an nhân dân mặc dù bố hoặc mẹ từng có án tích nên bạn vẫn có thể kiến nghị, nêu nguyện vọng đối với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.
Thư Viện Pháp Luật