Chồng ngoại tình, vợ có quyền đánh ghen bằng thư nặc danh?

Chồng cặp bồ với một nữ trưởng phòng, tôi biết chuyện, can ngăn nhưng anh bỏ ngoài tai. Gần đây, tôi gửi thư nặc danh đến công ty của người đàn bà đó nói đã "cướp chồng, kinh doanh trái phép". Cô ta biết tôi làm chuyện này, dọa sẽ kiện. Xin hỏi, nếu bị kiện, tôi có cơ hội để thắng không vì tôi là vợ được pháp luật thừa nhận, còn họ quan hệ bất chính. Hơn nữa thư nặc danh thì làm sao quy kết đó là tôi thực hiện.

Tố cáo nặc danh là khái niệm vẫn thường được dùng để chỉ việc tố cáo mà trong đơn, thư tố cáo không có tên, địa chỉ của người tố cáo. Pháp luật đã có những quy định về tố cáo nặc danh và hướng xử lý đối với vấn đề này.

Theo quy định tại Điều 19 Thông tư 07/2014/TT-TTCP: "Khi nhận được đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự".

Như vậy, khi bạn gửi thư nặc danh đến công ty của người đàn bà đã cặp bồ với chồng mình, nếu bạn có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh hành vi thì công ty sẽ xem xét xử lý. 

Việc bạn viết thư nặc danh có bị khởi kiện hay không phụ thuộc vào nội dung thư tố cáo của bạn. Nếu bạn trình bày đúng sự thật kèm theo đầy đủ chứng cứ chứng minh thì người bị tố cáo sẽ không có cơ sở để khởi kiện. Nếu trường hợp bạn viết thư nặc danh bịa đặt, vu cáo rồi gửi đến công ty nơi bà kia làm việc nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị vu cáo thì có thể sẽ bị xử lý hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. 

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu bạn viết thư nặc danh bịa đặt, vu cáo rồi gửi đến công ty nơi tình địch làm việc nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó thì sau khi có đơn tố giác gửi tới cơ quan công an, bạn có thể bị khởi tố về Tội vu khống.

Điểm a, khoản 1, Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội vu khống: "Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

Như vậy, nếu xét thấy hành vi nêu trên có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; các vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự.

Khi xét xử người phạm tội vu khống; cùng với hình phạt tuyên cho người phạm tội, tòa án sẽ xem xét, buộc người phạm tội phải bồi thường cho người bị vu khống những thiệt hại về mặt vật chất hoặc tinh thần (nếu có) do hành vi vu khống gây ra.

Ðiều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm  được xác định bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào