Giải quyết trường hợp mua hàng không trả tiền
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán. Khi thực hiện hợp đồng mua bán, các bên phải tuân thủ nguyên tắc chung tại Điều 412 Bộ luật dân sự 2005:
- Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;
- Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
- Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Trong trường hợp của bạn, khi mua bán hai bên đều có chữ ký xác nhận nhưng người mua đã không thừa nhận chữ ký của họ. Nếu bên mua làm vậy để cố tình không trả tiền mua hàng cho bạn thì bạn có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như sau: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”.
Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng nêu: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Vậy, bạn có quyền khởi kiện tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
* Giám định chữ ký
Để giám định chữ ký và chữ viết bạn có thể yêu cầu giám định tại các tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.
Trên đây là quy định về giải quyết trường hợp mua hàng không trả tiền. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Thư Viện Pháp Luật