Quyền kháng cáo quyết định của Tòa án

Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án được quy định như thế nào? Rất mong nhận được trả lời của Ban biên tập THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Xin chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Khoản 22 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đương sự có quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án. Đương sự, người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm.

Đối với việc dân sự, người yêu cầu và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại, trừ các quyết định công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con sau ly hôn. Trường hợp có kháng cáo hợp lệ đối với quyết định giải quyết việc dân sự thì Tòa án cấp trên trực tiếp mở phiên họp để phúc thẩm quyết định giải quyết việc dân sự bị kháng cáo.

Đương sự chỉ có quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Đương sự được thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn luật định: thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết. Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, thời hạn kháng cáo là bảy ngày, kể từ ngày người kháng cáo nhận được quyết định. Kháng cáo ngoài thời hạn nêu trên được coi là kháng cáo quá hạn, trong những trường hợp kháng cáo quá hạn có lý do chính đáng thì Tòa án chấp nhận kháng cáo quá hạn.

Đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Theo Điều 373 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo, rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo.

Bên cạnh quyền kháng cáo, đương sự có quyền khiếu nại. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại những việc làm trái pháp luật của người tiến hành tố tụng hoặc của bất kì cá nhân, cơ quan, tổ chức nào trong hoạt động tố tụng dân sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo và phải thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại biết.
Trên đây là quy định về quyền kháng cáo quyết định của Tòa án. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tòa án nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào