Quy định về tội giả mạo trong công tác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự

Quy định về tội giả mạo trong công tác thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự?

Phạm tội giả mạo trong công tác quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự là các trường hợp phạm tội có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù. Cụ thể như sau:
a) Có tổ chức
 
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, giả mạo trong công tác có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sứ. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, phạm tội giả mạo trong công tác có tổ chức có những đặc điểm riêng như:
 
Người thực hành trong vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để giả mạo trong công tác. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan quy định tại khoản 1 Điều 284.
 
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu
 
Trường hợp phạm tội này là trường hợp đối với người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu thật đúng với quy định của Nhà nước, nhưng lại lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu có nội dung sai lệch với nội dung thật. 
 
Người có trách nhiệm lập các giấy tờ, tài liệu là người được giao lập các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch với nội dụng thật các giấy tờ, tài liệu. Ví dụ: Trịnh Kim A là cán bộ của Sở giáo dục - Đào tạo tỉnh T, được phân công viết Bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Trịnh Kim A đã thông đồng với một số người khác làm 50 bằng tốt nghiệp giả để trục lợi.
 
Người có trách nhiệm cấp các giấy tờ, tài liệu là người được giao các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nội dung thật của các giấy tờ tài liệu và cấp cho người khác. Ví dụ: Trần Văn K là cán bộ của Tòa án huyện Q, được giao cấp trích lục bản án. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, K đã làm giả trích lục bản án ly hôn rồi cấp cho Trần Xuân P là anh họ của K đang làm ăn ở nước ngoài, để Trần Xuân P dùng trích lục bản án ly hôn giả này kết hôn với người khác ở nước ngoài.
 
  c) Phạm tội nhiều lần
 
Phạm tội giả mạo trong công tác nhiều lần là có từ hai lần giả mạo trong công tác đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.
 
Trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan theo quy định tại khoản 1 của Điều luật và mỗi hành vi đó nếu tách ra thì cũng đã cấu thành tội phạm và mỗi hành vi người phạm tội thực hiện vào những thời điểm khác nhau thì cũng coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: ngày 1-10-2000, Nguyễn Đức Th cấp giấy tờ giả, đến ngày 10-10-2000, Th lại giả mạo chữ ký người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, nếu trong cùng một thời gian, người phạm tội có nhiều hành vi khách quan quy định tại khoản 1 của điều luật thì không coi là phạm tội nhiều. Ví dụ: ngày 15-1-2001, Trần Quốc T vừa ký giả chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn vừa cấp giấy tờ giả có chữ ký giả cho người khác.
 
d) Gây hậu quả nghiêm trọng
 
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở các tội phạm khác. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra, phải căn cứ vào hướng dẫn về tình tiết này đối với các tội phạm khác.
 
Hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương hướng dẫn áp dụng một số chương đối với một số tội phạm. Về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT - TANDTC - VKSNDTC - BCA - BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viên kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, mỗi tội phạm tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác nhau nên hậu quả do hành vi phạm tội gây ra cũng khác nhau. Việc đánh giá hậu quả như thế nào là nghiêm trọng do hành vi hành vi phạm tội gây ra phải tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
 
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 284, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2, thì có thể bị phạt tới mười năm tù.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm về chức vụ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào