Nộp tiền tạm ứng án phí bao lâu thì Tòa án xét xử
Căn cứ Điều 195 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thụ lý vụ án:
"1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo."
Trong thời hạn 15 ngày kể từ nhận được giấy bảo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí sau đó mang biên lai thu tiền tạm ứng án phí nộp lại cho Tòa án.
Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử như sau:
"1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng."
Như vậy thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai là bốn tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng. Như vậy, tổng thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự của bạn có thể lên tới sáu tháng.
Bạn đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, tuy nhiên bạn chưa nói rõ là bạn đã nộp biên lai lại cho tòa hay chưa. Nếu bạn chưa nộp lại biên lai cho Tòa thì Tòa sẽ không thụ lý vụ án. Nếu bạn đã nộp biên lai cho Tòa, chưa thấy Tòa thụ lý án thì bạn làm đơn khiếu nại gửi tới Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội để hỏi rõ lý do vì sao vụ án của anh chưa được giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật