Điều kiện tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
Điều kiện tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
“Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Trên cơ sở định nghĩa như trên, có thể thấy, người tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người có vai trò rất lớn trong tố tụng dân sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng song song với đương sự. Khi tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có vị trí pháp lý độc lập với đương sự, không bị ràng buộc bởi việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự như người đại diện. Thực hiện nhiệm vụ của mình bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ đương sự về mặt nhận thức pháp luật và bằng thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình.
Tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, các đương sự có thể nhờ một trong những chủ thể được quy định tại khoản 2 làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, bao gồm:
- Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
- Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
- Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Trên đây là điều kiện tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Thư Viện Pháp Luật