Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Bà T khởi kiện quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hơn 1000m2 đất đứng tên bà. Tòa sơ thẩm bác đơn khởi kiện của bà với lý do bà đã không sử dụng mảnh đất này trong một thời gian dài. Bà T làm đơn kháng cáo bản án của tòa sơ thẩm. Khi tòa án tỉnh chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử thì Uỷ ban nhân dân huyện lại ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi giấy chứng nhận của bà T trước đó, đồng thời sau đó, bà T cũng đồng ý rút đơn kháng cáo. Trong trường hợp này, tòa án tỉnh sẽ giải quyết như thế nào?

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án được quy định tại Điều 229 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, cụ thể:

"Điều 229. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án

1. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của Luật này;

b) Trường hợp trả lại đơn kháng cáo theo quy định của Luật này mà Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý hồ sơ vụ án;

c) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;

d) Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

đ) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

4. Trường hợp Hội đồng xét xử đình chỉ việc xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều này mà phát hiện bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này thì phải kiến nghị với Chánh án Tòa án có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

5. Quyết định đình chỉ phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp."
 
Như vậy, ở giai đoạn xét xử phúc thẩm việc người kháng cáo đồng ý rút toàn bộ kháng cáo là một trong những căn cứ để tòa án ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. 

Trên đây là quy định về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong vụ án hành chinh. Bạn có thể tham khảo chi tiết tại  Luật tố tụng hành chính 2015.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào