Hủy bản án của Toà án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án
Việc hủy bản án, quyết định của toà án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án được quy định tại Điều 275 Luật Tố tụng hành chính 2015.Theo đó:
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu trong quá trình xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 của Luật này. Tòa án cấp giám đốc thẩm giao lại hồ sơ vụ án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để trả lại đơn khởi kiện cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, nếu có yêu cầu.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.
Điều 143 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định cụ thể các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án trong Điều 275, bao gồm:
" Điều 143. Đình chỉ giải quyết vụ án
1. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;
b) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;
c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập;
d) Người khởi kiện không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ;
đ) Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
e) Người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu;
g) Thời hiệu khởi kiện đã hết;
h) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này mà Tòa án đã thụ lý."
Trên đây là một số quy định về hủy bản án, quyết định của toà án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính.
Bạn có thể tham khảo chi tiết tại Luật tố tụng hành chính 2015.
Thư Viện Pháp Luật