Xử lý tài sản của người bị mất tích
Nếu một bên chủ thể của hợp đồng bị mất tích thì theo quy định tại khoản 1 Điều 387 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Theo Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: “ Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền,nghĩa vụ quy định tại Điều 76, Điều 77 của Bộ luật này”.Mà theo Điều 76 Bộ luật dân sự năm 2005 thì người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các nghĩa vụ: “Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng,thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án”.
Như vậy, nếu một chủ thể của hợp đồng bị tuyên bố mất tích mà họ có tài sản riêng thì tài sản đó sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ của người mất tích. Nếu người mất tích có tài sản chung với những người khác, thì phần tài sản của họ trong khối tài sản chung đó sẽ được lấy ra để thực hiện nghĩa vụ cho chủ thể này.Theo quy định tại Khoản 2 Điều 224 Bộ luật dân sự năm 2005 về định đoạt tài sản chung: “Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung,trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.
Trên đây là câu trả lời cho tình huống xử lý tài sản của người bị mất tích. Để biết được quy định chính xác cho vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm tại Bộ Luật dân sự 2005
Thư Viện Pháp Luật