Thời hạn giải quyết việc ly hôn

Thời hạn giải quyết việc ly hôn là bao lâu? Tôi muốn hỏi về việc ly hôn đuợc kéo dài bao lâu nếu 1 bên không đồng ý. Tôi có con nhỏ 14 tháng tuổi, chồng tôi ngoại tình muốn ly hôn nhưng tôi không đồng ý?

Căn cứ Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thủ tục nhận đơn khởi kiện: Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử như sau:

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;

b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;

e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

d) Đưa vụ án ra xét xử.

4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Như vậy, thời gian xét xử vụ án ly hôn đơn phương mất khoảng từ 4 - 6 tháng kể từ ngày thụ lý đơn (nếu có tranh chấp tài sản, phức tạp thì có thể kéo dài hơn). 

Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Như vậy, theo quy định Luật hôn nhân và gia đình 2014 vợ hoặc chồng có quyền đơn phương ly hôn, do đó chồng chị có quyền thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn với chị.

Trên đây là quy định về thời hạn giải quyết việc ly hôn.

Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

 

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào