Trách nhiệm thi hành bản án hành chính

Trong trường hợp một quyết định hành chính đã bị tòa án tuyên hủy thì việc thực hiện phán quyết của tòa được pháp luật quy định thế nào?

Theo Luật Tố tụng hành chính, trường hợp bản án, quyết định của tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của tòa án để thi hành.


Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của tòa án, trừ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và bản án, quyết định của tòa án liên quan đến danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thi hành ngay kể từ ngày nhận được bản án, quyết định. Đối với quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của tòa án phải thông báo kết quả thi hành án bằng văn bản cho tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó.


Quá thời hạn tự nguyện thi hành án nói trên mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của tòa án.


Luật Tố tụng hành chính cũng đã nói rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án, quyết định buộc thi hành án của tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào