Thuê chặt tay, chân của chính mình có phạm tội không?
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, sức khỏe của con người là một trong những giá trị được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại tới sức khỏe người khác trái pháp luật đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được điều luật quy định (như dùng hung khí; có tính chất côn đồ; có tổ chức…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy thuộc tính chất của hành vi gây thương tích cũng như hậu quả đã gây ra, người phạm tội sẽ bị truy cứu theo các điều khoản tương ứng được quy định tại điều luật này.
Tuy nhiên, điều luật không có quy định nào miễn trừ trách nhiệm hình sự với hành vi gây thương tích cho chính người thuê nên người có hành vi gây thương tích vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Đây cũng không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người được thuê mà còn là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự - “gây thương tích thuê”.
Đối với người thuê, trên phương diện pháp lý, họ là “đồng phạm” với người gây thương tích với vai trò là người tổ chức. Tuy nhiên, hành vi gây thương tích cho chính mình hoặc thuê người khác gây thương tích cho chính mình không phải là tội phạm nên họ không thể là đồng phạm với người có hành vi gây thương tích (người được thuê). Do vậy, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi thuê người khác gây thương tích cho chính mình thì về nguyên tắc cũng không bị coi là hành vi vi phạm hành chính. Vì thế, hành vi này cũng không bị xử phạt hành chính về hành vi cố ý gây thương tích.
Với hành vi trục lợi bảo hiểm của người thuê người khác gây thương tích cho mình thì Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có quy định riêng đối với tội danh này. Tuy nhiên, căn cứ ý thức, hành vi khách quan (có hành vi gian dối) nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi đã chiếm đoạt được tài sản.
Nếu người được thuê biết rõ việc gây thương tích nhằm trục lợi bảo hiểm và có thỏa thuận ăn chia thì cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.
Thư Viện Pháp Luật