Xin nghỉ việc thế nào mới đúng luật, vẫn được nhận trợ cấp?
Về việc chấm dứt hợp đồng lao động: Như thông tin bạn cung cấp, hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Theo quy định tại khoản 9 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là trường hợp “người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động…”. Khi đơn phương chấm dứt hợp động, người lao động không cần phải được người sử dụng lao động đồng ý, người lao động chỉ cần đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Nếu bạn việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng bạn phải thông báo cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày trước khi nghỉ việc (trừ trường hợp lao động lao động nữ mang thai có thể chấm dứt sớm hơn theo quy định tại Điều 156). Mặc dù pháp luật không quy định về hình thức thông báo nhưng để bảo đảm việc chấm dứt hợp đồng lao động của bạn là đúng quy định pháp luật, bạn nên gửi thông báo bằng văn bản. Trong đó, ghi rõ nội dung đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thời điểm bạn sẽ chính thức nghỉ việc và yêu cầu người hoặc phòng/ban có thẩm quyền phụ trách xác nhận việc nhận thông báo của bạn.
Về việc trả lương và trả trợ cấp khi nghỉ việc
- Về việc trả lương: Bạn đã làm việc tại công ty, đã chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì yêu cầu trả lương là quyền lợi của bạn và là nghĩa vụ bắt buộc của công ty.
- Về trợ cấp được hưởng khi nghỉ việc: Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 thì: “1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”. Như vậy, bạn đã làm việc ở công ty được hơn 7 năm, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định của pháp luật thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Tại khoản 2 điều 47 Bộ luật lao động quy định: "Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày".
Như vậy, sau khi nghỉ việc tối đa trong thời hạn 30 ngày làm việc, công ty phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền lương và tiền trợ cấp thôi việc cho bạn.
- Về tiền trợ cấp thất nghiệp: Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
“1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Như vậy, khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Công ty không phải là cơ quan chi trả tiền bảo hiểm thất nghiệp cho bạn mà tổ chức bảo hiểm xã hội sẽ là cơ quan thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Nếu công ty vẫn nhất quyết không chi trả tiền lương khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Do tranh chấp của bạn thuộc tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động nên phải qua phải qua hòa giải viên lao động (căn cứ khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn cần tiến hành các công việc sau:
- Gửi đơn đến công ty yêu cầu công ty thanh toán nợ lương và đưa ra một thời hạn nhất định nếu hết thời hạn đó mà công ty không thanh toán thì bạn gửi đơn đến sở lao động thương binh và xã hội yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết.
- Sau thời hạn 5 ngày nếu hòa giải viên lao động không giải quyết hoặc hòa giải không thành thì bạn có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật