Bị công ty chuyển sang làm vị trí trái ngành thì phải làm như thế nào?

Bị công ty chuyển sang làm vị trí trái ngành thì phải làm như thế nào? Tôi đang công tác tại Nhà hàng X, trực thuộc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch ABC. Tôi làm ở vị trí pha chế, thâm niên đã 37 năm. Hiện nay, tôi đã 50 tuổi. Lãnh đạo nhà hàng X đã luân chuyển công tác của tôi xuống vị trí tạp dịch (dọn dẹp vệ sinh). Thiết nghĩ, năm nay tuổi tôi cũng đã 50, sức khỏe của tôi đáp ứng được vị trí hiện nay (pha chế), tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan đã ép buộc, luân chuyển tôi xuống vị trí tạp dịch, 1 vị trí rất cần phải có sức khỏe. Vậy xin hỏi lãnh đạo cơ quan làm như vậy có hợp tình hợp lý, có đúng với luật quy định hay không? Mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập ngân hàng hỏi đáp pháp luật. Chân thành cảm ơn!

Về nguyên tắc, công ty có quyền chuyển bạn xuống làm ở vị trí khác trong trường hợp phục vụ mục đích kinh doanh hoặc do một số khó khăn khác và vẫn phải trả lương theo ít nhất bằng 80% lương trong hợp đồng lao động đã ký tuy nhiên chỉ được chuyển như vậy tối đa là 60 ngày. Nếu quá 60 ngày mà công ty muốn bạn tiếp tục làm việc tại vị trí đó thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của bạn. Mặc dù vậy, nếu bạn từ chối làm việc tại vị trí mới thì công ty buộc phải trả lương ngừng việc cho bạn theo quy định.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 31 Bộ luật lao động 2012 và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 và Nghị định 05/2015/NĐ-CP để nắm rõ hơn quy định này.
Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào