Lập văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại việt nam
Tôi sống tại Pháp từ năm 1994 và hiện mang quốc tịch nước này. Tôi đã thành lập công ty tư vấn giám sát xây dựng tại đây. Hiện nay tôi muốn về Việt Nam thành lập văn phòng đại diện (VPĐD). Vậy, xin hỏi Việt Nam có cho phép lập VPĐD của công ty nước ngoài hay không? Nếu không, thì có thể mở một công ty 100% vốn nước ngoài về tư vấn giám sát thi công được không? Thủ tục và cơ quan trực tiếp giải quyết?
Theo quy định tại Biểu cam kết WTO thì: “Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng các văn phòng đại diện không được tham gia vào các hoạt động sinh lợi trực tiếp”. Như vậy, công ty nước ngoài được phép thành lập VPĐD tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để thành lập VPĐD tại Việt Nam thì công ty của bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định 72/2006/NĐ-CP. Theo đó, (i) phải là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp; (ii) đã hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên công ty của bạn sẽ được phép thành lập VPĐD ở Việt Nam.
Theo Biểu cam kết WTO và pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì ngành nghề giám sát thi công xây dựng không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh. Do đó, bạn hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, giám sát thi công xây dựng là ngành nghề có điều kiện. Người thực hiện việc giám sát thi công xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng phù hợp với công việc, loại, cấp công trình. Do đó, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì công ty bạn phải lập dự án đầu tư tại Việt Nam để nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế); hoặc nộp cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (nếu dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế) để xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.