Theo Khoản 2, Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:
“2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
Mặt khác, theo Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định”.
Về nghĩa vụ và quyền của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu:
“1. Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”. (Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000)
Về nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em:
“ Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”. (Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000).
Pháp luật hiện hành chỉ quy định về quyền được nuôi con, quyền thay đổi việc nuôi con của cha mẹ chứ không hề có quy định về quyền nuôi con của ông bà thay cho cha mẹ khi cha hoặc mẹ còn sống, chịu đứng ra đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Cụ thể, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2000, trong trường hợp cha mẹ không còn thì con do anh, chị, em nuôi dưỡng. Nếu cả cha mẹ, anh, chị, em không còn thì ông bà nội, ông bà ngoại mới nuôi dưỡng cháu. Như vậy, việc tòa án ra quyết định giao con chung của cha mẹ cho bà ngoại nuôi là không có cơ sở pháp lý.
Bạn có quyền làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa phúc thẩm yêu cầu giao quyền nuôi con cho bạn để đảm bảo việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con (vì hiện tại, vợ của bạn đang chấp hành án tù sáu năm do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy).