Thế chấp nhà để giúp người khác vay tiền
Theo quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự thì Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Điều 369 Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh”. Với quy định nói trên, nếu việc bảo lãnh của gia đình chị được thực hiện đúng quy định của pháp luật thì khi Công ty (bên được bảo lãnh) không trả được nợ, gia đình chị sẽ phải đưa ngôi nhà của mình ra để trả nợ thay cho Công ty; nếu Công ty vẫn hoạt động bình thường, có khả năng trả nợ thì trước hết, Ngân hàng sẽ yêu cầu Công ty (là người vay trực tiếp) phải trả nợ chứ chưa thể phát mại tài sản của gia đình chị để thu nợ. Trong trường hợp công ty này không trả được nợ, Ngân hàng đã phát mại tài sản của gia đình chị để thu nợ thì theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Dân sự, gia đình chị có quyền yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại cho mình khoản tiền đã trả thay cho họ, nếu hai bên không có thoả thuận khác.
Thư Viện Pháp Luật