Sứ quán công chứng giấy ủy quyền của người ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh lãnh sự ngày 24/11/1990 (đang có hiệu lực) thì Lãnh sự có quyền thực hiện các hành vi công chứng sau đây: Chứng thực các hợp đồng, trừ hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu bất động sản ở nước tiếp nhận, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu hợp đồng đó được thực hiện ở Việt Nam hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau; chứng thực di chúc của công dân Việt Nam và nếu đương sự yêu cầu, thì nhận bảo quản di chúc đó; chứng thực giấy ủy quyền của pháp nhân và công dân Việt Nam… Khoản 1 Điều 65 Luật Công chứng số 82/2006/QH11 về việc công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng quy định: "Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản". Theo các quy định nói trên, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ từ chối công chứng hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản. Những giao dịch dân sự khác liên quan đến bất động sản, nhưng không thuộc phạm vi các văn bản nói trên (như hợp đồng ủy quyền về VN làm các thủ tục khai nhận di sản thừa kế) thì không thuộc phạm vi “không được công chứng” đã quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Công chứng. Tại Việt Nam, người nhận ủy quyền sẽ phải thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng Việt Nam theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Thư Viện Pháp Luật