Xử lý hành chính đối với người vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Vi phạm chế độ một vợ một chồng là việc một người đã có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ có chồng mà lại cố tình chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ có chồng. Việc chung sống này có thể công khai hoặc không công khai, nhưng phải thể hiện ở các dấu hiệu như: Thời gian chung sống với nhau tương đối dài; có tài sản chung; đã có con chung với nhau; được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng... Theo quy định tại Điều 8 Nghị định của Chính phủ số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/ 11/ 2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, người vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng nếu họ có một trong các hành vi như: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. Như vậy, chỉ trong trường hợp hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý vi phạm hành chính; nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v... thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 147 BLHS mà không đòi hỏi phải có điều kiện là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm”.
Thư Viện Pháp Luật