Đổi giấy phép lái xe nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam
Theo “Quy chế quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ” ban hành kèm theo Quyết định số 72/2005/QĐ-BGTVT ngày 28/12/2005 của Bộ GTVT và hướng dẫn số 1084/CĐBVN-QLPT&NL ngày 13/4/2006 của Cục Đường bộ Việt Nam, những trường hợp sau đây được đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe (GPLX) của nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam: a- Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam hoặc người nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam với thời gian 3 tháng trở lên có GPLX quốc tế hay quốc gia (do nước ngoài cấp) còn giá trị sử dụng và có nhu cầu lái xe ở Việt Nam. b- Khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào du lịch Việt Nam, có GPLX quốc tế hay quốc gia (do nước ngoài cấp) còn giá trị sử dụng và có nhu cầu lái xe ở Việt Nam. c- Người Việt Nam (mang Quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp GPLX quốc tế hoặc quốc gia còn giá trị sử dụng nay về nước với thời gian 3 tháng trở lên, rồi sau đó lại ra nước ngoài cư trú, công tác, học tập và có nhu cầu lái xe. d- Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp GPLX quốc tế hoặc quốc gia còn giá trị sử dụng nay về nước công tác, làm ăn sinh sống và có nhu cầu lái xe. Tùy từng trường hợp, hồ sơ thủ tục đổi GPLX gồm có những giấy tờ sau đây: 1. Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam hoặc người nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam với thời gian 3 tháng trở lên và khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam: a. Đơn xin đổi giấy phép lái xe (theo mẫu) có xác nhận của thủ trưởng cơ quan quản lý người nước ngoài tại Việt Nam (sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc Bộ Ngoại giao, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở kinh tế đối ngoại các tỉnh, thành phố, văn phòng đại diện nước ngoài, các công ty liên doanh, công ty có 100% vốn nước ngoài, thủ trưởng cơ quan nơi người nước ngoài làm việc, học tập). b. Giấy phép lái xe nước ngoài (bản photocopy). c. Bản dịch hợp lệ giấy phép lái xe ra tiếng Việt Nam. d. Bản sao hộ chiếu. đ. Ba ảnh màu cỡ 3x4. Đối với khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam thì thời hạn GPLX có hiệu lực từ khi đổi đến khi xuất cảnh nhưng không vượt quá thời gian quy định của GPLX Việt Nam. 2. Người Việt Nam (mang Quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp GPLX quốc tế hoặc quốc gia còn giá trị sử dụng nay về nước với thời gian 3 tháng trở lên, rồi sau đó lại ra nước ngoài cư trú, công tác, học tập: a) Đơn xin đổi GPLX (theo mẫu). b) Bản photocopy GPLX nước ngoài. c) Bản dịch hợp lệ GPLX nước ngoài ra tiếng Việt Nam. d) Hai ảnh màu cỡ 3x4. Khi nộp hồ sơ thủ tục đổi GPLX, phải xuất trình hộ chiếu và GPLX nước ngoài để đối chiếu với hồ sơ. 3. Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp GPLX quốc tế hoặc quốc gia còn giá trị sử dụng nay về nước công tác, làm ăn sinh sống. a) Đơn xin đổi GPLX (theo mẫu) có xác nhận của cơ quan, tổ chức (nơi hiện công tác học tập) hoặc chính quyền địa phương (nơi cư trú) về việc đã về nước cư trú, làm ăn sinh sống. b) Bản photocoppy hộ chiếu gồm phần số hộ chiếu, thời gian sử dụng, họ tên, ảnh người được cấp và trang thi thực nhập cảnh trở về Việt Nam. c) Bản dịch hợp lệ GPLX nước ngoài ra tiếng Việt Nam. d) Giấy chứng nhận sức khỏe phải được bệnh viện đa khoa cấp huyện hoặc tương tương trở lên cấp. Thời hạn kể từ ngày cấp giấy chứng nhận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ xin đổi GPLX không quá một năm. đ) Hai ảnh màu cỡ 3x4. Khi nộp hồ sơ thủ tục đổi GPLX, phải xuất trình hộ chiếu và GPLX nước ngoài để đối chiếu. Thời hạn trả hồ sơ cho cả 4 đối tượng kể trên là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Mức thu lệ phí là 30.000 đồng. Không nhận hồ sơ đổi, nếu GPLX nước ngoài đã hết giá trị sử dụng, hoặc có hiện tượng tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi GPLX hoặc có sự khác biệt về nhận dạng.
Thư Viện Pháp Luật