Quyền thành lập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 139 ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, mọi cá nhân, không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch… đều có quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Thủ tục để tổ chức, cá nhân người nước ngoài lần đầu tiên đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam được thực hiện như sau: - Nếu doanh nghiệp dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hơn 49% vốn điều lệ thì phải có dự án đầu tư và thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong trường hợp này, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận đầu tư); - Nếu doanh nghiệp dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 88 ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh. Việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước. Theo các quy định nói trên, nếu bạn góp vốn thành lập doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng ở Việt Nam với số vốn nhỏ hơn 49% vốn điều lệ thì hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tỉnh, thành phố nơi dự định đặt trụ sở của doanh nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật