Không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông bị phạt bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ; khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ thì hiệu lệnh dừng phương tiện của Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm:
- Bằng tay, gậy chỉ huy giao thông.
- Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra.
- Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn.
Khi có một trong các tín hiệu này, các phương tiện giao thông phải dừng xe theo hiệu lệnh.
Việc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013. Cụ thể:
- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng (khoản 4, Điều 5).
- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển phương tiện giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (khoản 4, Điều 6).
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (khoản 4, Điều 7).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 01 tháng. Người điều khiển một trong những phương tiện trên mà gây tai nạn giao thông thì ngoài bị phạt tiền người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng (khoản 9, Điều 7).
- Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (khoản 3, Điều 8).
- Đối với người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng (khoản 1, Điều 9).
- Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (khoản 3, Điều 10).
Trường hợp của bạn, viêc không chấp hành hiệu lệnh thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạệchành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (đã được sửa đổi, bổ sung). Cụ thể, theo quy định tại điểm m khoản 4 Điều 6 của Nghị định số 171 thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Thư Viện Pháp Luật