Thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 8/2/1999, hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp bao gồm: đơn xin cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu in sẵn của Bộ Tư pháp; bản sao giấy chứng minh thư nhân dân; bản sao sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi thường trú của đương sự. Trường hợp là người nước ngoài thì nộp bản chụp hộ chiếu và giấy chứng nhận nơi thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam. Nếu ủy quyền làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp phải có giấy ủy quyền được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người ủy quyền hoặc được ủy quyền chứng nhận. Nếu người ủy quyền là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì văn bản ủy quyền phải được cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận. Trường hợp người ủy quyền là người nước ngoài đã rời VN thì văn bản ủy quyền phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân, và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hồ sơ làm thành hai bộ. Nếu người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi thường trú. Nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi thường trú cuối cùng trước khi xuất cảnh. Trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi cư trú. Khi đã rời Việt Nam, hồ sơ nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh. Thời gian hẹn trả kết quả là 13 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần phải tra cứu hồ sơ của Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát thuộc Bộ Công an thì thời hạn được kéo dài thêm 10 ngày. Nếu tra cứu tại tòa án thì thời hạn được kéo dài thêm 7 ngày. Lệ phí xin cấp phiếu lý lịch tư pháp với người Việt Nam ở trong nước: 100.000 đồng/lần. Người nước ngoài, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài: 200.000 đồng/lần.
Thư Viện Pháp Luật