Thủ tục đăng ký khai sinh cho con theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì UBND xã, phường, thị trấn, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì UBND cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn, nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được ưu tiên theo nơi cư trú của người mẹ, trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì mới thực hiện đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người cha.
Người đi đăng ký khai sinh (cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh làm giấy cam đoan việc sinh là có thực.
- Sổ Hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ. Trường hợp đã ly hôn thì mang hộ khẩu của người đi khai sinh.
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn). Nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha mẹ, không bắt buộc xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
- CMND/Hộ chiếu Việt Nam (bản chính và bản photo) của cha mẹ hoặc người đi làm thay.
- Điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh (Mẫu TP/HT-2012- TKKS.1 quy định tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực).
Nộp các giấy tờ trên tại UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) nơi người mẹ đăng ký thường trú (áp dụng trong trường hợp cả cha và mẹ của trẻ là công dân VN cư trú trong nước).
- Nếu người mẹ có nơi đăng ký thường trú nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có quyền đăng ký khai sinh cho trẻ.
- Trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú thì UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Nếu không xác định được nơi thường trú, tạm trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì nộp tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.
Một số trường hợp cụ thể khác:
+ Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ đó.
+ Trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
+ Trẻ sinh ra tại VN, có cha và mẹ là công dân VN định cư ở nước ngoài: nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, nơi người mẹ hoặc người cha cư trú trong thời gian ở VN.
+ Trẻ sinh ra tại VN, có cha hoặc mẹ là công dân VN cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân VN định cư ở nước ngoài: nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh
- Sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ trên, cán bộ Tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh.
- Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
- Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh: trong 1 ngày. Trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc. Thời gian nhận giấy khai sinh: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.
Lưu ý:
- Làm giấy khai sinh không tính lệ phí.
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ phải đi khai sinh cho con. Nếu không thể đi được thì nhờ ông, bà hoặc người thân thích đi làm giùm. Quá thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo (Khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã).
Thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn
Theo quy định tài Điều 44 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì bạn đã thành niên nên có thể tiến hành thủ tục tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ (hoặc người cha - nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ) hoặc UBND cấp xã nơi bạn đang cư trú.
Về thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn được quy định tại Điều 45 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP như sau:
Người đăng ký khai sinh quá hạn nộp các giấy tờ:
- Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định);
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha, mẹ của người được khai sinh có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi sinh ra cấp; nếu sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Sau khi nộp đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký quá hạn.”
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 5 ngày.
Khi đi đăng ký khai sinh nếu có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì sẽ được đăng ký đúng theo nội dung đó.
Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.
Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ bạn trong trường hợp cha, mẹ bạn đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ bạn vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ sẽ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Thư Viện Pháp Luật