Có được ủy quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn?
Theo Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) có quy định:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gọi tắt là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại của Luật này đều không có giá trị pháp lý.
Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.
- Thẩm quyền đăng ký kết hôn: UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn.
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài.
- Nghi thức kết hôn: Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.
Có được ủy quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn?
Thủ tục đăng ký kết hôn
Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trong đó có khoản 2, Điều này đã được sửa đổi theo khoản 2, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP như sau:
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.
Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.
Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.
Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
Việc ủy quyền
Tại Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi theo khoản 3, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP quy định về ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau: Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.
Việc đăng ký kết hôn là quan hệ nhân thân làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý mà chỉ có các chủ thể trong quan hệ đó mới được quyền quyết định có xác lập quan hệ đó hay không, do đó không thể uỷ quyền cho người khác quyết định thay mình. Khi xác lập quan hệ hôn nhân, hai bên nam, nữ phải trực tiếp có mặt tại cơ quan đăng ký kết hôn để bày tỏ ý muốn tự nguyện kết hôn của mình, chứ không thể uỷ quyền cho người khác nhân danh mình làm thay.
Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi theo khoản 3, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP, thì 4 trường hợp không được phép thực hiện uỷ quyền khi đăng ký hộ tịch là: đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Nếu trường hợp cùng chung sống tại nơi đăng ký tạm trú, mà thực sự không thể bố trí được thời gian về nơi đăng ký thường trú để đăng ký kết hôn, thì có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký tạm trú, nhưng phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của UBND nơi đăng ký thường trú.
Thư Viện Pháp Luật