Doanh nghiệp không đóng đủ BHXH cho người lao động, xử phạt thế nào?
Theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì đối với người sử dụng lao động có hành vi đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì:
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không đóng bảo hiểm y tế của cá nhân có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đóng bảo hiểm y tế không đủ số người có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động.
Phạt tiền đối với hành vi không đóng bảo hiểm y tế cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động theo một trong các mức sau đây:
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, khi vi phạm dưới 10 người lao động;
- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm từ 1.000 người lao động trở lên.
Phạt tiền đối với hành vi đóng bảo hiểm y tế không đủ số tiền phải đóng theo một trong các mức sau đây:
- Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng;
- Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 60.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 80.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng;
- Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 120.000.000 đồng đến dưới 160.000.000 đồng;
- Từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 160.000.000 đồng trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đóng đủ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT, buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng tham gia BHYT đã phải tự chi trả trong khám bệnh, chữa bệnh (nếu có), buộc nộp số tiền phải đóng và lãi phát sinh của số tiền phải đóng vào tài khoản thu của Quỹ BHYT.
Thư Viện Pháp Luật