Trả lương bằng USD có ảnh hưởng đến tiền bảo hiểm xã hội?

Tôi làm việc tại một Chi nhánh luật nước ngoài tại Việt Nam, nay Chi nhánh được phép chuyển thành Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Tôi xin hỏi: 1/ Việc ký lại hợp đồng bằng USD (với tỷ giá USD được ghi kèm vào hợp đồng) như vậy sẽ gặp những rủi ro gì về tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế sau này không, vì thực lãnh lương bằng tiền đồng? 2/Tôi đã làm cho Công ty gần 10 năm, nay ký lại hợp đồng mới, như vậy sẽ gặp rủi ro gì trong việc đền bù thôi việc không nếu sau này không còn làm việc cho công ty nữa.

Việc xác định tiền công (tiền lương) bằng USD có tính tỷ giá hối đoái trong hợp đồng lao động chỉ là một cách xác định mức tiền công (tiền lương) mà người lao động được người sử dụng lao động trả, còn thực nhận là tiền đồng Việt Nam tương ứng với mức đã thỏa thuận tính theo tỷ giá hối đoái. Trong Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh xã hội, trong đó có quy định tại điểm 7 (phần I) đối tượng Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài được phép hoạt động tại VN, tại điểm 1 phần II quy định về mức lương tối thiểu có quy định “mức lương tối thiểu hiện hành quy định và trả bằng tiền đồng Việt Nam”, như vậy việc xác định tiền công (tiền lương) theo thỏa thuận hợp đồng lao động dù là USD (có tính tỷ giá hối đoái hàng tháng) hoặc VND, thì việc chi trả vẫn là đồng Việt Nam và không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Điều 37 Điều lệ Bảo hiểm xã hội quy định hàng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội gồm lương theo ngạch bậc, chức vụ, hợp đồng và các khoản phụ cấp khu vực đắt đỏ, chức vụ, thâm niên, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Như vậy việc xác định tiền công (tiền lương) theo thỏa thuận hợp đồng lao động dù là USD (có tính tỷ giá hối đoái  hàng tháng) hoặc VND không ảnh hưởng tới việc đóng và hưởng các lợi ích về BHXH và BHYT. Theo hướng dẫn tại mục 3 phần III Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh xã hội về trợ cấp thôi  việc khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Đ.42 BLLĐ, thì thời gian làm việc để để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc theo các bản hợp đồng lao động đã giao kết (kể cả hợp đồng giao kết bằng miệng) mà người lao động thực tế làm việc cho người sử dụng lao động đó. Như vậy, việc ký hợp đồng lao động mới không làm ảnh hưởng tới thời gian làm việc trước đó và vẫn được tính là thời gian làm việc liên tục trong trường hợp thôi việc và giải quyết chế độ thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hình thức trả lương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào