Tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp nào?
1. Theo qui định tại nghị định số 162/2004/NĐ-CP về “Qui chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính”, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau: - Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác. - Cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp: người vi phạm không có giấy tờ tùy thân, không biết rõ lai lịch nhân thân; không có nơi cư trú nhất định, cần xác minh làm rõ lai lịch nhân thân và những tình tiết quan trọng liên quan đến hành vi vi phạm. - Người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo qui định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp của con ông - nếu cơ quan công an có nghi ngờ hành vi vi phạm của vũ trường - thì việc con ông bị “tạm giữ người theo thủ tục hành chính” do không có giấy tờ tùy thân là đúng với qui định của pháp luật. Việc giữ người như trên chỉ là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm, chứ không phải là một hình thức xử phạt và cũng không ghi vào lý lịch như ông nghĩ. 2. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm (trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn nhưng cũng không được quá 24 giờ). Riêng đối với trường hợp vi phạm qui chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn nhưng cũng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Thư Viện Pháp Luật