Bị “quá tuổi” khi xin cấp thị thực
- Theo chúng tôi biết, trường hợp của gia đình cô thuộc loại xin thị thực F4: anh chị em của công dân Hoa Kỳ, bao gồm vợ chồng và con dưới 21 tuổi của F4. Như vậy, điều kiện để cô được đi cùng với cha mẹ là cô phải dưới 21 tuổi. Đạo luật CSPA năm 2002, được tổng thống Hoa Kỳ ký thành luật vào ngày 6-8-2002. Đạo luật này làm thay đổi việc xác định một người con có bị “quá tuổi” hay không nhằm mục đích cấp thị thực và điều chỉnh tình trạng của các đương đơn cho hầu hết các loại thị thực nhập cư. Ý nghĩa của đạo luật này là để giữ lại tình trạng “không quá tuổi” cho những người con đã bị quá tuổi của đương đơn chính và đặc biệt cho những ai bị quá tuổi do sự trì hoãn trong tiến trình làm thị thực. Đạo luật CSPA áp dụng cho những loại thị thực di dân như sau: 1/ Con độc thân dưới 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ hay của thường trú nhân (LPR) (diện IR-2 và đương đơn chính của diện F2A). 2/Con đi theo cha mẹ là đương đơn chính của các loại thị thực F1, F3, F4 và E. Đạo luật CSPA có hiệu lực từ ngày 6-8-2002 và được áp dụng khi đạt được một trong những điều kiện: 1/Hồ sơ bảo lãnh thị thực nhập cư được chấp thuận ngay/sau ngày 6-8-2002; hoặc 2/Đương đơn bị quá tuổi ngay/sau ngày 6-8-2002 (đương đơn được hưởng thêm 45 ngày theo Đạo luật Patuot Act); hoặc 3/Đương đơn đã bị quá tuổi trước ngày 6-8-2002 nhưng phải nộp đơn xin thị thực trước khi quá tuổi và bị từ chối theo khoản 221 (g). Theo chúng tôi, cô nên liên hệ bộ phận thông tin của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM để biết thêm thông tin và được hướng dẫn cụ thể.
Thư Viện Pháp Luật