Ly hôn mà không chia con, chia của được không ?
- Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng. Hậu quả của việc ly hôn là các vấn đề về con chung và tài sản chung luôn được tòa án đặt ra để giải quyết. Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, Luật HN & GĐ quy định như sau: “Nếu vợ chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con trẻ”. Theo quy định trên đây, vấn đề tài sản các bên có thể tự thỏa thuận phân chia, không yêu cầu tòa án giải quyết; vấn đề con chung, dù các bên thỏa thuận được, nhưng tòa án phải công nhận, tức là ghi rõ giao con cho ai nuôi, vấn đề thăm nom, cấp dưỡng... cũng phải ghi nhận cụ thể. Ngoài ra, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên còn phải xem xét nguyện vọng của con. Như vậy, ly hôn có thể không “chia của”, nhưng phải giải quyết việc “chia con”, với những quy định cụ thể, rõ ràng. Nguyện vọng ly hôn không làm ảnh hưởng đến con của anh chị chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện: con dưới 9 tuổi, các bên thuận tình ly hôn, thống nhất không cho các con biết, ly hôn âm thầm, tạo điều kiện cho nhau... Tuy nhiên, việc “đóng kịch” với các con dù khéo đến mấy thì cũng khó lừa được sự mẫn cảm của con cái. Được chăng chỉ một khoảng thời gian nào đó mà thôi.
Thư Viện Pháp Luật