Mặt khách quan của tội cố ý làm lộ bí mật công tác

Quy định về mặt khách quan của tội cố ý làm lộ bí mật công tác?

a) Hành vi khách quan
 
Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là làm lộ bí mật công tác. Nhưng biểu hiện của hành vi làm lộ lại tùy thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật đó.
 
Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật bằng nhiều hình thức như truyền miệng; đăng báo, truyền thanh, truyền hình…
 
Hành vi làm lộ bí mật nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm lộ bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật nhà nước được. Ví dụ: Hồ Thị Th là chuyên viên vụ xuất nhập khẩu Bộ thương mại đã tiết lộ kế hoạch xuất nhập khẩu các mặt hàng giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển tiềm năng kinh tế- xã hội của đất nước.
 
b) Hậu quả
 
Hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.
 
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, chỉ cần người phạm tội có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của tội phạm vẫn rất cần thiết, dù nó không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, vì hành vi làm lộ bí mật công tác nếu đã gây ra hậu quả thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả; nếu hậu quả gây ra là nghiêm trọng, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của Điều luật.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm về chức vụ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào