Thấy người bị nạn không cứu có bị đi tù?
Khoản 1, Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau: “1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…”. Như vậy, pháp luật hình sự Việt Nam coi hành vi thỏa mãn tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” khi có đầy đủ căn cứ cho thấy người khác đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới cấu thành tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm trong trường hợp này là hành vi không hành động.
Về dấu hiệu chủ quan của tội phạm thì người phạm tội phải là người thấy người khác ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu được người đó khỏi chết mà không cứu mới bị coi là phạm tội. Điều kiện để cứu được người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là khả năng thực tế có thể cứu được người sắp chết, khả năng này có thể do bẩm sinh, do rèn luyện, do học tập hoặc do tính chất nghề nghiệp mà có. Ở đây cần lưu ý, việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân người cứu giúp cũng như những người khác. Người phạm tội phải là người không có hành động nào nhằm cứu người bị hại. Không hành động là một biểu hiện tiêu cực, lẽ ra họ phải có nghĩa vụ làm để cứu người nhưng lại không làm dẫn đến nạn nhân bị chết. Hành vi không cứu giúp phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân. Nếu nạn nhân đã lâm vào tình trạng “cứu cũng chết, không cứu cũng chết” thì hành vi không cứu không phải là hành vi phạm tội. Trở lại trường hợp của bạn, việc bạn ngăn cản người yêu của mình không cứu nạn nhân, do nhận thấy “dòng nước chảy xiết và rất mạnh”. Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thì cơ quan điều tra sẽ căn cứ toàn diện vào các tình tiết của vụ án: Như kỹ năng bơi lội của người bạn trai; độ sâu của đoạn sông; độ xiết của dòng nước; trời sáng hay tối; tỷ lệ cứu sống người tự vẫn…và các yếu tố ngoại cảnh khác. Hơn nữa, người tự vẫn thực hiện hành vi với lỗi cố ý để nhằm tự tước đoạt mạng sống của chính mình thì việc cứu giúp của người khác không có nhiều ý nghĩa đến việc ngăn chặn hậu quả, thậm chí nếu quyết tâm cứu giúp mà không có kỹ năng thì có thể sẽ chung số phận với nạn nhân. Như vậy, theo đánh giá dựa trên thông tin bạn cung cấp chúng tôi cho rằng hành vi của người bạn trai là không phải là tội phạm và sẽ không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Thư Viện Pháp Luật