Khiếu kiện UBND tỉnh, thủ tục thế nào?
Trước hết, theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, điều kiện cần đầu tiên là để khiếu kiện ra toà hành chính là ông phải khiếu nại cơ quan hành chính đã ban hành quyết định. Tại Điều 1, Điều 2 Luật Khiếu nại, tố cáo và Điều 1 Nghị định 53/2005/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo, thì người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại. Rõ ràng, trong trường hợp này, quyền và lợi ích hợp pháp của ông không chịu tác động trực tiếp bởi quyết định của UBND tỉnh quê ông về việc thành lập khu công nghiệp và quyết định này cũng không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Vì vậy, ông không có quyền khiếu nại. Khi không có quyền khiếu nại, điều này dẫn đến không có quyền khiếu kiện đến toà án hành chính TAND tỉnh. (Đó là chưa xét đến thẩm quyền theo loại việc của toà hành chính) Trong trường hợp này, nếu ông có căn cứ xác định được lợi ích chung của xã hội bị xâm phạm, ông chỉ có quyền kiến nghị hoặc tố cáo hành vi cố ý ban hành văn bản trái pháp luật của tập thể UBND tỉnh (tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức). Lúc này sẽ áp dụng thủ tục tố cáo để giải quyết. Tôi cũng muốn trao đổi cùng ông là hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều không thừa nhận việc một cá nhân có quyền khiếu nại, khiếu kiện quyết định hành chính mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì điều này sẽ tạo tiền lệ không tốt cho xã hội do nhiều người sẽ lợi dụng quy định này để khiếu nại, khởi kiện tràn lan nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Và hậu quả nhìn thấy trước là các cơ quan Nhà nước, toà án phải tốn rất nhiều thời gian thụ lý, giải quyết trong khi những khiếu kiện liên quan trực tiếp thì không đủ thời gian.
Thư Viện Pháp Luật