Thủ tục giám đốc thẩm
Muốn khiếu nại yêu cầu xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm (bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án - theo qui định của Khoản 6 Điều 279 Bộ luật Tố tụng dân sự), phải tuân theo các qui định sau đây của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS): Điều 283 BLTTDS qui định: Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: 1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Đối với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thì chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (theo qui định của Điều 285 BLTTDS) và Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động của Tòa án nhân dân tối cao mới có thẩm quyền giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị (theo qui định của Khoản 2 Điều 291 BLTTDS). Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba (3) năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật ( theo qui định của Điều 288 BLTTDS). Như vậy, nếu muốn được xem xét giải quyết lại bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, thì trong thời hạn ba (3) năm kể từ ngày tuyên án, ông có quyền làm đơn khiếu nại lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (ở Hà Nội ) hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ở Hà Nội) đề nghị cho xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Xin lưu ý với ông là ngoài Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ở Hà Nội) ra thì không có người nào có quyền kháng nghị thay theo thủ tục giám đốc thẩm được. Khi gởi đơn khiếu nại ông phải gởi kèm theo bản sao bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Trong đơn khiếu nại ông cần trình bày ngắn gọn, chính xác những điểm mà ông cho là Hội Đồng xét xử đã tiến hành sai thủ tục xét xử phúc thẩm, và những điểm bản án phúc thẩm đã nhận xét, kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án… đồng thời gởi kèm theo bản sao các tài liệu làm chứng cứ để chứng minh. Rất tiếc ông không gởi cho chúng tôi bản sao bản án và các bản sao tài liệu kèm theo, nên chúng tôi chỉ có thể góp ý kiến về nguyên tắc như trên để ông tham khảo, còn không thể trả lời nhhững câu hỏi cụ thể, chi tiết về vụ án cho ông được. Hơn nữa, xin ông lưu ý là đối với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thì chỉ có Tòa dân sự Tòa án tòa án nhân dân tối cao (ở Hà Nội) khi xét xử giám đốc thẩm mới có thẩm quyền quyết định đúng sai ra sao theo như qui định của Điều 297 BLTTDS.
Thư Viện Pháp Luật