Ly hôn, chia tài sản sao cho... tiết kiệm?
Cách tốt nhất để không tốn kém trong việc phân chia tài sản chung khi ly hôn là vợ chồng tự thỏa thuận chia mà không yêu cầu tòa án giải quyết.
+ Nếu là tiền, vàng, đồ dùng có giá trị trong gia đình: Vợ chồng nên lập văn bản thỏa thuận phân chia. Nội dung văn bản có ghi rõ số lượng, chủng loại; vợ được hưởng bao nhiêu, đồ vật gì; chồng được hưởng bao nhiêu, đồ vật gì... Văn bản này chỉ cần mời hai người (không phải là bà con, họ hàng, thân thích của hai bên) ký tên, làm chứng. Về thời điểm phân chia có thể tiến hành bất kỳ lúc nào, tuy nhiên nên phân chia ngay sau khi ly hôn.
+ Nếu là tài sản có đăng ký quyền sở hữu (nhà đất, xe cộ, tàu thuyền...): Nếu tài sản đứng tên một người và bên kia vẫn muốn để cho người đó tiếp tục sở hữu thì cần làm giấy cam kết, xác nhận tài sản đó là tài sản riêng của người đang đứng tên và không tranh chấp. Giấy này phải có xác nhận chữ ký của người cam kết tại UBND cấp xã, phường nơi người đó cư trú. Nếu tài sản đứng tên hai người, nhưng một bên muốn tặng cho bên kia thì làm hợp đồng tặng, cho. Việc tặng, cho cũng phải được công chứng, trước bạ và đăng ký (đăng bộ) theo quy định. Việc phân chia này nên làm trước khi ly hôn, vì vợ chồng tặng cho nhau không phải đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất cũng như lệ phí trước bạ. Giải pháp một bên nhận tiền, một bên nhận nhà, đất cũng thực hiện theo hướng dẫn trên đây. Tuy nhiên, xin lưu ý: việc ký hợp đồng tặng cho và nhận tiền phải sao cho hợp lý, chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của các bên và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật