Vì sao tòa án trả lại đơn kiện?
- Quyết định khởi kiện đề nghị tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chị Nguyễn Thị Huyền là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, để tòa án thụ lý và giải quyết thành một vụ án dân sự thì hồ sơ khởi kiện - đặc biệt là đơn khởi kiện phải đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật quy định, trong đó có quy định về yêu cầu bắt buộc phải xác định được "Tên và địa chỉ của bị đơn" (theo quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự). Sở dĩ quy định bắt buộc phải cung cấp địa chỉ của bị đơn là vì bị đơn chính là "Người bị kiện"- là người có khả năng sẽ phải trực tiếp gánh chịu hậu quả pháp lý trong vụ án dân sự - trong trường hợp này là nghĩa vụ trả nợ. Vụ án sẽ không giải quyết được hoặc không được giải quyết một cách chính xác, đúng đắn nếu bị đơn không được quyền cũng như không thực hiện nghĩa vụ khai báo hoặc cung cấp chứng cứ trước tòa án.
Tại tiểu mục 8.5 mục 8 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ - HĐTP ngày 12-5-2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần "Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) quy định: "Nếu người khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thì tòa án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện thì tòa án căn cứ vào Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật TTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án".
Việc cung cấp địa chỉ của bị đơn là nghĩa vụ của người khởi kiện, nên khi tòa án yêu cầu chị bổ sung đơn khởi kiện theo hướng phải ghi đầy đủ địa chỉ của bị đơn mà chị không bổ sung được thì tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho chị là đúng quy định của pháp luật hiện hành. Chị có quyền tiếp tục khởi kiện vụ án sau khi tìm được địa chỉ của bị đơn.
Thư Viện Pháp Luật