Các hành vi bị nghiêm cấm và các loại pháo được sử dụng?
Các hành vi bị nghiêm cấm: Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa. Mua bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo. Các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự. Các sản phẩm như pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, mầu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây tiếng nổ.
* Bộ Xây dựng: Tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư phải đáp ứng điều kiện sau: có chức năng đào tạo, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; bảo đảm các phòng học có quy mô và tiện nghi phù hợp với số lượng học viên và các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập; có số lượng giảng viên được cơ sở đào tạo trả lương và đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu bằng 40% trên tổng số giảng viên tham gia khóa đào tạo, đáp ứng các yêu cầu quy định; có tài liệu giảng dạy được biên soạn phù hợp với chương trình khung theo quy định; có bộ máy quản lý đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; có quy trình quản lý chất lượng đào tạo .
* Bộ Tư pháp: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDÐ) thuộc sở tài nguyên và môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện đăng ký thế chấp QSDÐ, tài sản gắn liền với đất của tổ chức trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài.
Văn phòng đăng ký QSDÐ thuộc phòng tài nguyên và môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chưa thành lập văn phòng đăng ký QSDÐ thực hiện đăng ký thế chấp QSDÐ, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với QSDÐ tại Việt Nam.
* Bộ Tài chính: Các đơn vị giao dịch được phép chi bằng tiền mặt các khoản chi thanh toán cá nhân như tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, chi cho cán bộ xã, thôn, bản đương chức, chi công tác người có công với cách mạng và xã hội, chi lương hưu và trợ cấp xã hội, các khoản thanh toán khác cho cá nhân. Chi xây dựng cơ bản, bao gồm: Chi giải phóng mặt bằng trực tiếp cho dân; chi mua sắm vật tư do nhân dân khai thác và cung ứng được chính quyền địa phương và chủ đầu tư chấp thuận đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cấp xã; chi xây dựng các công trình do dân tự làm (cấp xã). Chi trả nợ dân, bao gồm các khoản chi trả trái phiếu, công trái bán lẻ trong hệ thống kho bạc Nhà nước cho các cá nhân; chi trả bằng tiền mặt đối với vàng bạc, đá quý, tư trang tạm giữ cho các nguyên chủ.
* Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Khi có đủ căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người bị tai nạn gây ra, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán như sau: Trường hợp bị tai nạn còn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: cơ quan BHXH thông báo trực tiếp cho người bị tai nạn hoặc thân nhân của người bị tai nạn (cha, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ từ 18 tuổi trở lên) biết về việc người bị tai nạn đã vi phạm pháp luật về giao thông và không được quỹ BHYT thanh toán chi phí. Trường hợp người bị tai nạn đã ra viện: cơ quan BHXH thực hiện thu hồi chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà quỹ BHYT đã thanh toán theo quy định. Trường hợp người bị tai nạn tử vong: cơ quan BHXH thực hiện thanh quyết toán các khoản chi phí với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT.
* Bộ Nội vụ: Công chức cấp xã, cụ thể là các công chức Văn phòng - thống kê, Ðịa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Ðịa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hóa - xã hội phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn cơ bản sau: phải có hiểu biết về lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm; có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; đặc biệt, công chức cấp xã phải am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.
Thư Viện Pháp Luật