Nguyên đơn trong vụ án ly hôn có được ủy quyền tham gia tố tụng?
- Căn cứ Khoản 3 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng Dân sự) có quy định: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
Theo điểm k Khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự thì đương sự có nghĩa vụ phải tham gia phiên tòa. Khoản 1 Điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về sự có mặt của nguyên đơn tại phiên tòa: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, nguyên đơn phải có mặt; trường hợp nguyên đơn vắng mặt thì hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự khi tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nguyên đơn phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng (căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự 2005: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép) thì nguyên đơn vắng mặt bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
Như vậy, trường hợp bạn Nguyễn Văn Toàn là nguyên đơn trong vụ án ly hôn nên không thể ủy quyền cho người khác mà phải tự mình tham gia tố tụng. Trong trường hợp tòa án đã triệu tập hợp lệ mà bạn không thể tham gia phiên tòa vì lý do chính đáng thì có thể làm đơn đề nghị và các tài liệu chứng minh lý do chính đáng để xin hoãn phiên tòa gửi tới tòa án nhân dân đã thụ lý vụ án để thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xem xét và quyết định.
Thư Viện Pháp Luật