Đại diện cho gia đình và doanh nghiệp có thể vay ngân hàng
Theo khoản 5, Điều 144 Bộ luật dân sự 2005 thì người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên trường hợp của bạn không thuộc quy định không được xác lập, thực hiện giao dịch nói trên. Bởi lẽ, bạn với tư cách pháp lý đầu tiên là đại diện cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng, tư cách thứ hai là bên thứ ba cam kết với ngân hàng về việc bảo lãnh khoản tiền vay cho doanh nghiệp của bạn.
Tài sản của vợ chồng là độc lập với Công ty
Như thế, khi xác lập giao dịch bảo lãnh với ngân hàng thì bạn thứ nhất là xác lập hợp đồng tín dụng với ngân hàng, thứ hai là xác lập hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng. Việc bạn đại diện cho doanh nghiệp và bạn đại diện cho chính bạn (cùng với người vợ) để xác lập giao dịch dân sự là được phép bởi vì tư cách doanh nghiệp mà bạn làm giám đốc - người đại diện theo pháp luật với tư cách bạn là đồng sở hữu, sử dụng tài sản bảo lãnh là hoàn toàn độc lập.
Hơn nữa, theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự thì vợ chồng không đương nhiên là đại diện của nhau. Chỉ khi một trong hai bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ thì mới làm đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Tài sản của vợ chồng bạn là độc lập với công ty, bạn có quyền thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cấm và liên đới chịu trách nhiệm đối với giao dịch mà mình đã xác lập mà không vi phạm về phạm vi đại diện theo khoản 5, Điều 144, BLDS năm 2005. Việc vợ chồng bạn dùng tài sản là quyền sử dụng đất để bảo đảm cho công ty vay tiền tại tổ chức tín dụng thì được gọi là bên thế chấp.
Về hậu quả của việc thế chấp quyền sử dụng đất, bạn cũng nên lưu ý khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp quyền sử dụng đất mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì quyền sử dụng đất đã thế chấp được xử lý theo thoả thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được theo thoả thuận thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại Toà án (Điều 72, BLDS năm 2005)
Như vậy, giải thích của Công chứng viên và việc từ chối công chứng nói trên là không phù hợp với quy định chúng tôi đã viện dẫn.
Thư Viện Pháp Luật