Quy định về việc cho người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam
- Điều 131, Luật Nhà ở quy định về "Đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở" như sau: "Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép vào Việt Nam có thời hạn từ ba tháng liên tục trở lên và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thuê nhà ở tại Việt Nam". Theo đó, điều kiện để người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam là phải được phép vào Việt Nam với thời hạn từ ba tháng liên tục trở lên.
Căn cứ vào Điều 133, Luật Nhà ở thì nội dung tại Khoản 2, Điều 93 của Luật Nhà ở cũng được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam, nên hợp đồng cho thuê nhà phải thể hiện các nội dung sau đây: a) Tên và địa chỉ của các bên; b) Mô tả đặc điểm của nhà ở; c) Giá và phương thức thanh toán nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về giá; d) Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành (nếu có); thời hạn cho thuê; cho mượn, cho ở nhờ; ủy quyền quản lý; đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên; e) Cam kết của các bên; g) Các thỏa thuận khác; h) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng hoặc ký văn bản; i) Chữ ký của các bên (nếu là tổ chức thì phải đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký).
Hợp đồng cho thuê nhà ở cần phải được công chứng theo quy định pháp luật, trừ trường hợp cho thuê nhà ở dưới sáu tháng (Khoản 3, Điều 93, Luật Nhà ở).
Theo quy định tại Điều 133 và Điều 103, Luật Nhà ở, bên cho thuê ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng khi bên thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây: a) Không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng liên tiếp trong ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng; b) Sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận; c) Cố ý làm hư hỏng nhà ở cho thuê; d) Sửa chữa, cải tạo, đổi nhà ở đang thuê hoặc cho người khác thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê nhà ở; đ) Làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục.
Thư Viện Pháp Luật