Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn
- Khoản 3, Điều 37, Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung quy định rõ: Người lao động làm theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước 45 ngày, người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất 3 ngày. Căn cứ vào quy định này, nếu bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì phải báo trước bằng văn bản cho công ty 45 ngày làm việc (điểm 1, mục III, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 22-9-2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động). Sau 45 ngày báo trước, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần sự đồng ý của công ty và vẫn được coi là chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 42, Bộ luật Lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có. Còn Điều 15, Nghị định 114/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định, tiền lương làm căn cứ tính các chế độ trợ cấp thôi việc là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi sự việc xảy ra, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6, Điều 139, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động. Do đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian trước ngày 1-1-2009 và được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thời gian từ ngày 1-1-2009 đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Thư Viện Pháp Luật