Hình thức xử phạt đối với “đinh tặc”
- Người thực hiện hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ (sau đây gọi là người vi phạm), tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi rải đinh làm hư hỏng tài sản của người tham gia giao thông nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng và phải bồi thường thiệt hại về tài sản của người tham gia giao thông (quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 18 của Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội). Nếu hành vi rải đinh chưa làm hư hỏng tài sản của người tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 5, Điều 14 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Ngoài hình phạt hành chính, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo hai tội danh: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật Hình sự), nếu hành vi rải đinh làm hủy hoại hoặc hư hỏng tài sản của người tham gia giao thông có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu người vi phạm thực hiện hành vi có tổ chức; tái phạm nguy hiểm hoặc gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu hành vi rải đinh gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Nếu hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203 Bộ luật Hình sự), nếu hành vi rải đinh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nếu rải đinh tại các đoạn đường đèo, dốc, đoạn đường nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu người vi phạm gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Thư Viện Pháp Luật