Công an xã có quyền giải quyết đơn thư tố cáo?
"Tố cáo" là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó đã gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định. Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền, người giải quyết tố cáo phải thụ lý trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về thời điểm thụ lý tố cáo và các nội dung tố cáo được thụ lý. Nếu thấy có dấu hiệu phạm tội trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo, thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận, giải quyết tố cáo phải chuyển tin báo, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo hoặc nhận được hồ sơ, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý cho cơ quan, tổ chức đó biết; trường hợp tố cáo có nội dung phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày. (Điều 71, Luật Khiếu nại, Tố cáo). Đối với tố cáo của em gái bạn là tố cáo về hành vi phạm tội, do đó thẩm quyền giải quyết thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng theo Điều 33 Nghị định 136/2006/NĐ-CP. Cơ quan công an cấp xã phải chuyển đơn tố cáo, hồ sơ cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để tiến hành điều tra theo Điều 71, Luật Khiếu nại, Tố cáo. Trong trường hợp này cơ quan công an cấp xã không chuyển đơn và yêu cầu chứng cứ là không phù hợp các quy định của pháp luật. Theo Điều 10, Thông tư 01/2009/TT-TTCP, việc yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo chỉ được tiến hành khi đã thụ lý đơn tố cáo và đã thành lập Đoàn xác minh Trường hợp em gái bạn, bạn có thể gửi đơn tố cáo trực tiếp tới Cơ quan điều tra cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng 2003. Đồng thời yêu cầu cơ quan này áp dụng các biện pháp ngăn chặn: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, … nếu thấy có căn cứ chứng tỏ người phạm tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội (Điều 79, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).
Thư Viện Pháp Luật