Di chúc có thể được lập theo hình thức nào?
VĂN BẢN PHÁP LUẬT THAM CHIẾU: Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội (viết tắt là BLDS 2005). Ý KIẾN PHÁP LÝ: 1. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 646 BLDS 2005). Một di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; - Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. 2. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 649 BLDS 2005). a. Di chúc bằng văn bản gồm các hình thức sau (Điều 650 BLDS 2005): - Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; - Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; - Di chúc bằng văn bản có công chứng; - Di chúc bằng văn bản có chứng thực. b. Di chúc bằng văn bản phải bảo đảm các nội dung sau (Điều 653 BLDS 2005): - Ngày, tháng, năm lập di chúc - Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; - Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; - Di sản để lại và nơi có di sản; - Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. c. Di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Nếu sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ (Điều 651 BLDS 2005).
Thư Viện Pháp Luật