Sử dụng lao động là người khiếm thị có được hỗ trợ và ưu đãi?

Tôi có ý định dạy nghề xoa bóp bấm huyệt, phục hồi chức năng, tạo việc làm cho những người khiếm thị. Đề nghị quý báo cho biết, người khiếm thị có phải là người khuyết tật không và nếu tôi mở cơ sở dạy nghề như nêu trên thì sẽ được hưởng sự ưu đãi và hỗ trợ gì?

Chính sách và pháp định về chế độ bảo trợ và ưu đãi người khuyết tật và những cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho họ được Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật.

Khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2012 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể thi hành Luật Người khuyết tật như sau:

Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Điều 34 Luật Người khuyết tật quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi như sau:

a) Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;

b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;

c) Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;

d) Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật;

đ) Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.

Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nếu như cơ sở dạy nghề và kinh doanh trong lĩnh vực xoa bóp bấm huyệt của anh Hoàng có sử dụng 30% đến 70% lao động là người khuyết tật (sau khi đã được xác nhận tỷ lệ lao động là người khuyết tật và cơ sở bảo đảm đầy đủ trình tự hồ sơ kinh doanh theo quy định của pháp luật) thì sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và ưu đãi theo quy định trên.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào